Được lãnh đạo Phân xưởng Khai thác 2 nhận xét là một người khá kiệm lời, nhưng khi kể về công việc và những người đồng nghiệp của mình, thợ lò Bùi Văn Bạo lại tâm sự không ngơi. Bởi có lẽ ở anh, tình yêu với mỏ đã ngấm vào da thịt tự bao giờ….

      Là một người con của Đất mỏ Mạo Khê anh hùng, chàng trai sinh năm 1979 Bùi Văn Bạo khi ấy vừa tốt nghiệp ngành khai thác mỏ của Trường đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm, theo chỉ tiêu của nhà trường, anh về gắn bó với Phân xưởng Khai thác 2 mỏ Mông Dương. Từ đó tới nay, anh cùng biết bao nguời thợ ngày ấy đã chứng kiến sự thay đổi của Mỏ Mông Dương, đặc biệt là trong sự quan tâm, tạo điều kiện mà Công ty đãi ngộ cho người thợ lò.

      Anh nói rằng: Bản thân là một công nhân lao động khai thác, nhưng nhờ sự tạo điều kiện của quản đốc đơn vị, các cán bộ trong phân xưởng và thực hiện đúng theo các quy định của Công ty theo định mức sản phẩm, trong quý I vừa qua, bình quân mỗi tháng thu nhập của anh khoảng 18 triệu đồng, tuơng ứng với 22 công cho mỗi tháng.

     “Trong công việc, từ khi đi học cho đến khi ra nghề, tôi chỉ có mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ, cống hiến hết mình với nghề đã chọn. Nghề thợ lò có vất vả, có nặng nhọc nhưng thu nhập tốt. Không chỉ được tạo công ăn việc làm, anh em chúng tôi còn được chăm lo về đời sống. Bữa cơm, nước tắm, hay cả việc đi lại làm việc. Gia đình tôi ở phường Cẩm Phú có xe ca đưa đón. Còn các anh em ở xa được Công ty bố trí cho ở chung cư ngay gần mỏ, đi bộ đi làm cũng rất thuận tiện. Việc duy nhất chúng tôi cần làm đó là làm sao tập trung cho công việc để nâng cao thu nhập”.

      “Cá nhân tôi cũng là thợ lò có thâm niên, tôi cũng chưa từng để xảy ra sự cố gây mất an toàn lao động cho bản thân hay cho đồng nghiệp. Vì vậy tôi thường đuợc giao kèm cặp, hướng dẫn các công nhân mới vào nghề. Biết được những vất vả của nghề, và cả những cái mà nghề đã cho mình, tôi luôn động viên các bạn trẻ hãy cố gắng nỗ lực . Đừng vì những khó khăn trước mắt mà bỏ cuộc, không phải nghề nào cũng có mức thu nhập và những đãi ngộ như Thợ lò. Bản thân tôi đã từng chứng kiến nhiều bạn trẻ đã từng đến với nghề nhưng sớm bỏ cuộc, bỏ mỏ. Rồi sau khoảng thời gian lăn lộn bên ngoài, các bạn ấy lại xin quay trở lại mỏ. Điều đó đã chứng minh sức hút của nghề Thợ lò”.

“Ở đây, chúng tôi cùng ăn, cùng làm việc với nhau hàng ngày, tình cảm gắn bó như anh em một nhà vậy” - Anh cười.

     Nói về thợ lò Bạo, quản đốc Phân xưởng Khai thác 2 Lại Tuấn Mạnh cho biết, đây là công nhân đã gắn bó lâu năm với đơn vị, hiền lành, ít nói nhưng trong quá trình làm việc lại rất nhiệt tình. Anh không chỉ hoàn thành công việc đuợc giao mà còn kèm cặp, chỉ bảo tận tình cho nhiều anh em mới trong đơn vị. Bạo là một người có tay nghề, xử lý tốt các tình huống việc khó và đuợc anh em trong tổ tín nhiệm. Anh cũng tích cực tham gia đóng góp các ý tuởng cải tiến trong sản xuất ở hiện truờng. 

      Quản đốc phân xuởng khai thác 2 cũng cho biết thêm, Phân xưởng đang thực hiện khấu tận thu ở vỉa K8 Vũ Môn, mức -120 đến -97,5. Địa chất khu vực này có sự biến động liên tục, lại chịu ảnh hưởng của nuớc ngầm và nước của các khu vực đã khai thác phía trên dồn xuống. Đơn cử như trong tháng 3 vừa rồi, Phân xưởng phải thực hiện dừng khấu để đào lò tránh và lắp giá. Tuy nhiên, đơn vị có “đặc sản” là truyền thống đoàn kết của một đội ngũ cán bộ, công nhân có tay nghề, có lòng nhiệt tình đối với công việc. Đặc biệt là có sự ủng hộ của ban lãnh đạo đơn vị cũng như các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên luôn đi sâu, đi sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của anh em.

     Bùi Văn Bạo là một trong số các cá nhân thu nhập cao Quý I/2020 của Công ty CP than Mông Dương - VINACOMIN. Để phù hợp với diễn biến dịch COVID -19, Công ty không tổ chức hội nghị sơ kết mà tiến hành động viên, khuyến khích các cá nhân có thành tích xuất sắc tại chính đơn vị mình. Cũng là một trong những cách phòng chống dịch COVID -19, anh Bạo chia sẻ thêm, bản thân anh cùng các anh em trong đơn vị đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Mỗi ngày, các anh được kiểm tra thân nhiệt liên tục: Tại bến xe, cổng bảo vệ, nhà ăn ca và tại chính cửa lò nơi các anh làm việc hàng ngày… Được tạo mọi điều kiện để tiếp tục được cống hiến, được gắn bó với mỏ, đó là mong mỏi giản đơn của người thợ mỏ ấy.