Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ giảm dần sản lượng than khai thác lộ thiên và tăng dần sản lượng khai thác hầm lò. Vì vậy, tìm biện pháp thúc đẩy thị trường tiêu thụ để tăng doanh thu, giúp người lao động đảm bảo việc làm và đời sống chính là giải pháp giúp ngành than giữ chân công nhân mỏ trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Trước những khó khăn trong tuyển dụng lao động hầm lò, Công ty CP Than Núi Béo đã về các thôn, bản, tuyên tuyền để thu hút lao động. Đồng thời, kèm cặp công nhân mới, học sinh thực tập với phương châm "người trước dạy người sau, người biết dạy người chưa biết"; tự đào tạo để có lực lượng lao động phục vụ sản xuất trước mắt cũng như lâu dài. Công ty cũng đã phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty Than Hà Lầm trong đào tạo, đào tạo lại kỹ năng nghề cho lực lượng công nhân phục vụ khai thác hầm lò; xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên các em học sinh trong thực tập sản xuất tại công ty để các em yên tâm làm việc tại đơn vị.
 

Thợ mỏ hầm lò là đối tượng lao động phải làm việc trực tiếp trong điều kiện nặng nhọc, độc hại
và tiềm ẩn rủi ro, nên cần được quan tâm nhiều hơn

Hiện nay, công ty đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hầm lò và phấn đấu đến năm 2022 đạt công suất thiết kế 2 triệu tấn than/năm, thu hút lao động hầm lò trung bình các năm từ 2020-2023 khoảng 400-500 thợ lò và cơ điện lò. Thời gian tới, Đảng bộ Công ty CP Than Núi Béo sẽ tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, nhất là lao động hầm lò. Trong điều kiện khai thác xuống sâu và đi xa hơn, công ty cải thiện điều kiện đi lại, điều kiện thông gió trong hầm lò và tiếp tục nghiên cứu phát huy đào lò chống vì neo.

Tại Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin, do công việc cơ khí nặng nhọc, công ty luôn tạo môi trường làm việc tốt cũng như chăm lo đến đời sống của công nhân, như bố trí nhà ăn cho công nhân, mùa nắng nóng công nhân được cung cấp nước giải khát. Đối với công nhân mới được tuyển dụng, công ty đều giao cho các thợ bậc cao kèm cặp và hướng dẫn quan sát để góp ý kịp thời nếu thợ mới làm sai. Từ đó, giúp họ rút kinh nghiệm và nâng cao tay nghề. Những công nhân nhà xa, công ty bố trí chỗ ăn, ở. Hiện nay, thu nhập thấp nhất của công nhân mới vào phân xưởng đạt từ 4-4,5 triệu đồng/tháng.

Để "giữ chân" những lao động có tay nghề cao, hàng năm công ty tổ chức vinh danh, bình chọn "Bàn tay vàng", "Kỹ sư giỏi"… Còn đối với những người thợ bậc cao đào tạo cho những công nhân mới vào nghề ngoài lương công ty cũng trả thêm phụ cấp (chế độ chuyên gia) 5 triệu đồng/tháng. Công ty cũng chủ động, linh hoạt trong đào tạo, kèm cặp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao tay nghề cho cán bộ, nhân viên; đào tạo nghề thứ 2 đối với những ngành nghề khó tuyển dụng, bảo đảm cân đối giữa các ngành nghề để bố trí công việc.

TKV xác định, thợ mỏ hầm lò là đối tượng lao động phải làm việc trực tiếp trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và tiềm ẩn rủi ro, nên cần được quan tâm nhiều hơn so với các lực lượng lao động khác. Chính vì vậy, những năm gần đây, khi có điều kiện cân đối tài chính TKV đều chỉ đạo tăng lương cho thợ lò với mức tăng cao hơn các khu vực khác.