Ông Đỗ Văn Kiên, Phó Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn cho biết: Trong khai thác than lộ thiên vấn đề bãi thải trở thành áp lực lớn cho các mỏ. Mặc dù hằng năm, đơn vị đều duy trì hệ thống phun dập bụi, đầu tư kè chắn bãi thải song vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, áp lực lớn tới môi trường. Bởi vậy, phương án chuyển đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng sẽ hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới môi trường.
Hiện nay, khu vực phía Tây của tỉnh đang triển khai thi công một số dự án trọng điểm như: Hạ Long Xanh, tuyến đường ven sông, dự án Khu công nghiệp Sông Khoai, Khu công nghiệp và đô thị Đầm Nhà Mạc cùng nhiều dự án khác tại TP Hạ Long... Những dự án này có vị trí nằm chủ yếu vùng trũng, nhu cầu khối lượng đất đá san lấp mặt bằng rất cao.
Theo tính toán của các ngành chức năng, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh cần từ 100 đến 150 triệu m3 đất đá phục vụ san lấp các dự án trên địa bàn. Trong khi đó, đất đá thải mỏ than đảm bảo chất lượng phù hợp sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, các khu công nghiệp.
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đánh giá: Trước đây, các khu vực nghiên cứu khai thác làm vật liệu san lấp mặt bằng thường là đất đồi, rừng nằm gần các khu đô thị, khu du lịch, khu di tích, Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long... nên việc khai thác làm giảm diện tích rừng; ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và phát triển du lịch. Do đó, việc tái sử dụng đất đá thải mỏ than thay cho khai thác, sử dụng đất đồi để làm vật liệu san lấp mặt bằng dự án, công trình là phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị ngành Than nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, đề xuất với Bộ để cấp phép các vị trí sử dụng đất đá thải mỏ phù hợp phục vụ san lấp mặt bằng.
Trong chuyến kiểm tra hoạt động khu vực bãi thải mỏ Bàng Nâu ngày 23/6 vừa qua, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc sử dụng đất đá thải mỏ là yêu cầu bức thiết của Quảng Ninh hiện nay, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời giảm áp lực, hạ độ cao cho các bãi thải mỏ, đảm bảo công tác môi trường, an toàn cho khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là trong mùa mưa bão.
Đồng chí yêu cầu Sở Xây dựng cần nhanh chóng phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và TKV nghiên cứu, xác định giá vật liệu đất đá thải mỏ tại một số vị trí phù hợp để các nhà đầu tư nghiên cứu lựa chọn. Việc xây dựng giá phải đảm bảo tính cạnh tranh so với các vật liệu san lấp khác trên địa bàn. Đồng thời quy trình và các thủ tục xin cấp phép cần đẩy nhanh tiến độ, tạo mọi điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các bên.