Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Nguyễn Đình Khang; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cùng nhiều đại biểu Quốc hội dự phiên họp.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên họp.
Hồ sơ dự án Luật đảm bảo theo quy định
Trình bày tờ trình, nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, việc này xuất phát từ yêu cầu khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật CĐ, đáp ứng hoạt động của tổ chức CĐ trong thời kỳ mới. Đồng thời, yêu cầu từ việc thể chế hoá Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật; cùng với đó là các yêu cầu về hội nhập kinh tế, quốc tế.
“Theo đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật CĐ. Cụ thể, Dự thảo Luật hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy CĐ và cơ chế quản lý cán bộ CĐ; hoàn thiện cơ chế tài chính CĐ trong bối cảnh mới; hoàn thiện các quy định của pháp luật CĐ để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu nói.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho hay, về cơ bản, hồ sơ dự án luật đã đảm bảo sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên. Hồ sơ dự án luật đã đảm bảo quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan tới việc hoàn thiện cơ chế tài chính CĐ trong hoàn cảnh mới, Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cơ bản thống nhất việc bổ sung quy định các trường hợp được xem xét miễn, giảm đóng kinh phí CĐ vì đảm bảo tính linh hoạt trong các tình huống phát sinh trong thực tiễn. Đối với quy định kinh phí CĐ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động (NLĐ), mặc dù Tổng LĐLĐVN không đề nghị sửa đổi nội dung này nhưng các sửa đổi, bổ sung tại các điều khác lại có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn này.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, trước mắt, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với quan điểm và Tờ trình của Tổng LĐLĐVN về việc tiếp tục duy trì nguồn thu kinh phí CĐ. Điều này phù hợp với thực tiễn pháp luật của nước ta, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam.
“Đây là nguồn kinh phí giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm để Công đoàn Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của NLĐ, nhất là công đoàn cơ sở (CĐCS) hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, chăm lo phúc lợi xã hội cho NLĐ, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ” - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu.
Duy trì 2% kinh phí CĐ là cần thiết
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) tán thành với quan điểm cần phải sửa đổi Luật CĐ trong bối cảnh mới. Việc sửa đổi luật phải làm sao để CĐ trở thành một động lực, không chỉ chăm lo cho doanh nghiệp mà còn bảo vệ NLĐ. CĐ phải luôn giáo dục, tuyên truyền để NLĐ có ý thức chấp hành pháp luật.
Góp ý một số nội dung cụ thể, ông Phương cho rằng, cần phải có những quy định trong luật để tổ chức CĐ tiếp cận được với các doanh nghiệp. Hay quy định về tổ chức bộ máy, cán bộ chuyên trách CĐ. Nhất trí với phương án về việc thu 2% kinh phí CĐ, tuy nhiên đại biểu Phương cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo cần có những thuyết minh, giải trình cụ thể nhu cầu sử dụng kinh phí CĐ, tài chính CĐ, các giải pháp quy định về sử dụng phần kết dư kinh phí CĐ nếu có…
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh (Đoàn Bình Dương) tán thành cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ. Về nguồn kinh phí CĐ, đại biểu Hạnh nêu rõ sự cần thiết phải duy trì 2% kinh phí CĐ. Theo đại biểu, nguồn kinh phí 2% này là nguồn kinh phí chủ yếu để thực hiện các hoạt động chăm lo cho NLĐ ở cơ sở. “Nếu không có 2% này thì không biết NLĐ sẽ được chăm lo như thế nào” - đại biểu Hạnh đặt câu hỏi.
Đại biểu Hạnh đánh giá, ở cơ sở, hiệu quả của khoản kinh phí 2% này rất lớn. Không chỉ có các hoạt động hiếu, hỉ, phúc lợi xã hội mà rất nhiều hoạt động khác của tổ chức CĐ, các hoạt động chăm lo nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của NLĐ từ nguồn kinh phí này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cũng tán thành với việc thu 2% kinh phí CĐ. Đây là nguồn kinh phí để hoạt động của tổ chức và chăm lo cho NLĐ.
Tại phiên họp, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đã trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện dự thảo luật. Đồng thời, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang cũng đã tiếp thu, giải trình và báo cáo rõ thêm một số ý kiến các đại biểu quan tâm.
Nguồn: congdoan.vn