Là đơn vị hầm lò khó khăn nhất của TKV do điều kiện địa chất phức tạp, có những năm Công ty CP Than Mông Dương phải chuyển diện sản xuất tới 28 lần, thường xuyên phải dừng sản xuất do lượng nước xuống lò nhiều. Để khắc phục những khó khăn này, Công ty thực hiện tái cơ cấu kỹ thuật và đổi mới công nghệ, coi đây là giải pháp trọng tâm.

 

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng Sản Việt Nam tham quan, tặng quà công nhân tại lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ

Tháng 6/2020, lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ mức -250 đến -100m chính thức được Công ty CP Than Mông Dương đưa vào hoạt động, đạt công suất thiết kế. Dự án lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ này có mức đầu tư hơn 118 tỷ đồng, bao gồm 96 giàn chống thủy lực di động, 1 máy khấu than, hệ thống máng cào gương, máng cào thu hồi và nhiều thiết bị khác do Phân xưởng Khai thác 5 của Công ty chủ trì thi công. Thời gian tồn tại của lò chợ này được tính toán xác định trong giai đoạn lập thiết kế cơ sở là 8 năm, công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm. Đây hiện là công nghệ khai thác hiện đại nhất của Công ty khi đã đổi mới công nghệ khai thác than lò chợ bằng cơ giới hóa đồng bộ sử dụng máy khấu kết hợp giàn chống thủy lực, thay thế cho công nghệ khoan nổ mìn, chống giá bằng khung. Đồng thời, cũng là một trong những giải pháp đột phá về mặt công nghệ của TKV trong việc nâng cao năng suất, sản lượng khai thác, thu nhập cho thợ lò và đảm bảo an toàn lao động.

 

Mặc dù là dự án đầu tiên áp dụng trong Tập đoàn, nhưng đội ngũ thợ mỏ lành nghề của Phân xưởng Khai thác 5 đã kịp thời tiếp cận, từng bước nắm bắt, làm chủ công nghệ, tổ chức tiến hành khai thác lò chợ với 2 ca khấu và 1 ca bảo dưỡng thiết bị. Qua thời gian ngắn đi vào hoạt động, lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ đang phát huy hiệu quả rất tốt, do có nhiều điểm tương đồng với các dự án lò chợ cơ giới hóa khác đã thực hiện trong Tập đoàn. Sau hơn 3 tháng, đến nay trung bình mỗi ngày đạt sản lượng trên 1.000 tấn than, năng suất trực tiếp đạt từ 17-20 tấn/công.

 

Công ty CP Than Mông Dương: Đổi mới công nghệ khai thác

Khai thác than bằng lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ tại Công ty CP than Mông Dương.

Công ty CP than Mông Dương cũng là đơn vị áp dụng thí điểm đầu tiên trong lộ trình tự động hóa hầm bơm thoát nước tại các đơn vị khai thác mỏ hầm lò. Hệ thống được thiết kế, lắp đặt tại mức -250 của khu Đông Bắc Mông Dương. Việc lắp đặt giải pháp kỹ thuật này đã đem đến nhiều ưu điểm nổi bật như: Kịp thời kiểm soát lưu lượng nước chảy vào hầm bơm và lưu lượng bơm thoát nước ra khỏi mỏ; luôn luôn giám sát trạng thái vận hành của máy bơm, bảo vệ máy bơm, cung cấp kết quả chuẩn đoán. Nếu gặp sự cố bất thường về lưu lượng nước chảy vào hầm bơm, hệ thống sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo, đồng thời tự động khởi động bơm nước, tránh ngập mỏ, giúp cho công nhân có thời gian kịp thời thoát nạn…

 

Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất chính là yếu tố quan trọng đưa các chỉ tiêu sản xuất của Công ty CP Than Mông Dương trong 8 tháng năm nay vượt cao so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, đến hết tháng 8/2020, Công ty khai thác trên 1,1 triệu tấn than (đạt 67% kế hoạch năm, tăng 14% so với cùng kỳ); đào lò 13.750m (đạt 68% kế hoạch năm và vượt 36% so với cùng kỳ năm 2019); sản lượng than tiêu thụ đạt gần 1,1 triệu tấn (đạt 68% kế hoạch). Qua đó đã đảm bảo thu nhập bình quân cho người lao động gần 16 triệu đồng/người/tháng (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019).

 

Đảm bảo mục tiêu khai thác và tiêu thụ trên 1,6 triệu tấn than, đóng góp vào sự phát triển của ngành Than, Công ty CP Than Mông Dương đang đẩy nhanh thi công dự án khai thác mỏ mức dưới -400, nhằm tạo diện khai thác ổn định, lâu dài cho Công ty thời gian tới.

Theo Báo Quảng Ninh