Dáng người gầy gò, nếu không được nghe giới thiệu, thật khó có thể tin được chàng trai này đã có hơn 20 lần hiến máu cứu người. Đó là đồng chí Phạm Văn Hướng – Bí thư Chi đoàn Khai thác 3, Công ty CP than Mông Dương – Vinacomin. Đồng chí vừa được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Than Quảng Ninh tuyên dương trong đợt ra quân chiến dịch Kỳ nghỉ hồng ngày 6/8 vừa qua.

        

PV: Chào Hướng! Bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân?

Phạm Văn Hướng (P.V.H): Mình là Phạm Văn Hướng, công nhân phân xưởng Khai thác 3, Công ty CP than Mông Dương - Vinacomin, hiện đang là Bí thư Chi đoàn Phân xưởng Khai thác 3.

PV:  Thành tích 21 lần hiến máu của Hướng thật ấn tượng. Bạn có thể chia sẻ về việc mình bắt đầu có suy nghĩ về việc hiến máu tình nguyện từ khi nào?

P.V.H: Mình bắt đầu hiến máu từ năm 18 tuổi. Đến nay cũng được hơn 20 lần hiến máu. Ý muốn hiến máu bắt đầu hình thành trong suy nghĩ mình khi mình được tận mắt chứng kiến những em bé bị mắc các bệnh về máu đang điều trị tại Viện huyết học truyền máu Trung ương, và cả các bệnh nhân cần truyền máu gấp do tai nạn, phẫu thuật. Lúc đó, bỗng trong đầu mình thổi bùng lên suy nghĩ:” Mình có tuổi trẻ, có sức khoẻ đã may mắn hơn nhiều người rồi, hiến 1 phần máu trong cơ thể đã có thể giúp được 2-3 bệnh nhân rồi.”

PV: Lần hiến máu nào để lại trong Hướng ấn tượng sâu sắc nhất?

P.V.H: Lần hiến máu ấn tượng nhất là vào năm 2013 tại Bệnh viện Việt Đức, khi đó, mình đang là tình nguyện viên của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Đang chuẩn bị ăn cơm, mấy anh em thành viên nhóm nhận được thông báo cần gấp 4 đơn vin máu cho 1 bệnh nhân bị tai nạn. Nhận được tin, nhóm lập tức lên xe và đi thẳng tới bệnh viện Việt Đức đăng ký hiến máu. Lần đó hiến xong mình thấy việc hiến máu tình nguyện thực sự cần thiết và công việc tình nguyện mình tham gia chưa bao giờ là sai lầm tuổi trẻ. Nếu được chọn lại, mình vẫn chọn tham gia tình nguyện. Tuổi trẻ mà, được cống hiến sức mình để thay đổi cuộc đời ai đó thì cố gắng. Để sau này ko phải hối hận vì bỏ lỡ.

PV:  Trong số những lần hiến máu thì khoảng cách giữa các lần nào là gần nhất?

P.V.H: Lần hiến gần nhau nhất là 2 tháng, đó là lần hiến ở Thái Bình do có người cần gấp. Thực thế thì đợt ấy mình hiến hơi “liều”, vì đúng theo khoa học là cách nhau 84 ngày. Với lại lần đấy không có trong hồ sơ lưu trữ vì mình hiến trực tiếp cho người cần.

PV: Ngày trước thời sinh viên năng động, nhiệt tình là thế. Còn bây giờ là một chàng thợ lò trẻ rồi. Công việc của một thợ lò cũng chiếm thời gian và phần lớn sức khỏe của bạn. Với việc hiến máu, bạn có còn nhiệt huyết như trước đây?

P.V.H: Năm nay mình cũng đã 29 tuổi. Công việc trong lò có vất vả nhưng tinh thần tình nguyện của mình vẫn cháy. Có thể tần suất không được nhiều nhưng chỉ cần có cơ hội là sẽ tham gia. Mình nghĩ mình vừa đi làm vừa hiến máu được thì mọi người cũng vậy. Chỉ cần hiến máu ở mức 350ml là sức khoẻ mọi người không hề bị ảnh hưởng, cơ thể người nào tốt có thể còn béo khoẻ lên. Vì vậy mọi người hãy tham gia hiến máu tình nguyện để có thể giúp những bệnh nhân kém may mắn hơn mình. Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại !

PV:  Trong tương lai bạn sẽ còn tiếp tục tham gia hiến máu nữa chứ?

P.V.H: Chỉ sợ không có cơ hội thôi. Có cơ hội là mình sẽ còn tiếp tục hiến máu

PV:  Bạn có kinh nghiệm gì để chia sẻ cho những trái tim tình nguyện đang và sẽ tham gia hiến máu trong các chiến dịch tới đây?

P.V.H: Trước đây mình tham gia tình nguyện vận động hiến máu mấy năm nên nắm rõ một số các kiến thức cơ bản. Trước khi hiến máu thì nên đi ngủ sớm và không uống rượu bia. Đặc biệt trước khi hiến máu 2 -3 tiếng thì nên ăn nhẹ, uống 1 chai trà xanh O độ để giúp mình tỉnh táo, khoẻ mạnh sau khi hiến máu. Không nên ăn đồ ăn quá nhiều đạm trước khi hiến máu, vì khi ăn quá nhiều đạm người nhận máu có thể bị sốc. Sau khi hiến máu xong, mọi người duy trì ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc và không nên uống rượu bia, nhất là 3 ngày sau khi hiến

PV: Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này!