(Xây dựng) - Mỏ than Mông Dương nằm ở vùng cuối của dải than vùng Đông Bắc. Xưa kia người Pháp bắt đầu xây dựng và khai thác than tại Mỏ này từ năm 1917 đến 1936 thì dừng hoạt động, sau đó Liên Xô cũ giúp ta xây dựng lại Mỏ từ năm 1967 đến 1982 mới xong. Và Mỏ than Mông Dương mới bắt đầu được thành lập ngày 1/4/1982; đổi thành Công ty Than Mông Dương – TKV ngày 18/12/2006 và cuối cùng là Công ty CP Than Mông Dương – TKV ngày 2/1/2008. Trải qua những thời mốc lịch sử đó, cán bộ và công nhân nhiều thế hệ của Than Mông Dương đã không ngừng tăng năng suất và đẩy công suất mỏ lên khai thác trung bình 1,2 triệu tấn than/năm như hôm nay.

Quá khứ… bi hùng!


Đồng chí Trương Tấn Sang ( nguyên Chủ tịch nước) cũng các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn kịp thời về thăm hỏi động viên CBCN Than Mông Dương khắc phục sự cố sau mưa lũ cuối năm 2015

Được biết, từ năm 1967 người bạn lớn của chúng ta – Liên Xô cũ đã bắt tay vào giúp ta khôi phục, xây dựng lại Mỏ Mông Dương , lúc bấy giờ theo đánh giá trữ lượng Mỏ còn khoảng 76 triệu tấn than ( hiện nay trữ lượng công nghiệp đến -500 còn khoảng 30 triệu tấn than), với công suất khai thác khoảng 90 ngàn tấn than/năm. Người Pháp để lại Mỏ sau hàng chục năm không khai thác và qua thời kỳ kháng chiến nên Mỏ trở thành đống hoang tàn. Việc khôi phục lại Mỏ không dễ dàng vì như người ta nói “ đan đi không tày dặm lại”. Cả một mớ hỗn độn ngổn ngang phải tính toán, thiết kế lại là cả một vấn đề… Công việc xây lắp được giao cho Công ty Xây lắp 6 xây dựng do đồng chí Nguyễn Đức Phan làm chỉ huy Trưởng công trường. Thật không may, trong quá trình xây lắp xảy ra vụ tai nạn làm 2 công nhân tử vong… Lúc bấy giờ kỷ luật nghiêm khắc lắm cho nên dù sao thì về trách nhiệm, đồng chí chỉ huy Trưởng vẫn phải đi cải tạo một thời gian. Nghe nói, vốn dĩ là con người nhiệt huyết, thông minh nên đồng chí Nguyễn Đức Phan khi là tù nhân vẫn tận tụy phát huy hết trí lực của mình thiết kế xây dựng khu Lán 14 ( khu trại giam tại thành phố Hạ Long bây giờ). Sau này, đồng chí Nguyễn Đức Phan phấn đấu trở thành Thứ trưởng Bộ Điện và Than.

Không có thắng lợi, vinh quang nào không phải trả giá bằng máu và nước mắt. Đồng chí Nguyễn Đức Phan nay đã về già… những công nhân thời đó đã…nằm xuống vĩnh viễn, nhưng họ không mất đi, họ còn sống mãi trong lòng biết bao thế hệ cán bộ , công nhân Than Mông Dương hôm qua, hôm nay và mai sau…

Trận lũ…lịch sử

Chưa có năm nào Quảng Ninh dường như bị nhấn chìm trong một trận mưa dài nhất, nhiều nhất vào cuối tháng 7 năm 2015. Nhiều khu mỏ, nhiều con đường, nhiều khu dân cư trở thành biến bùn, nước…Cảnh hoang tàn với sức nước chảy cuồn cuộn… mẹ dìu con chạy… tiếng người than khóc… Có nơi cả gia đình tử nạn vì sạt núi, đất vùi…Nhưng khu Mông Dương là mưa nhiều hơn tất cả. Chân Mỏ biến thành lũ bùn…Mỏ Mông Dương trở thành “ trận mạc” điên cuồng nhất của “ giặc nước” . Hàng triệu m3 nước, bùn ngập các tuyến đường ô tô, đường sắt, nhà xưởng…Nguy hiểm nhất là hàng triệu m3 nước lẫn bùn tràn ngập các lò khai thác than. Toàn bộ hệ thống thiết bị điện, máy bơm và một số thiết bị khai thác khác nằm trong hầm lò bị bùn, nước nhấn chìm 40 ngàn mét lò ở mức - 250…Mỏ Mông Dương lúc này rơi vào hoàn cảnh “ lực bất tòng tâm”… nhìn thấy lũ mà nuốt nước mắt!


Món ăn tự chọn phục vụ người lao động được áp dụng đầu tiên tại Mông Dương

Sự khắc phục Mỏ lúc này là bài toán khó, không những phải khẩn trương dồn hết sức người, sức của mà còn là cuộc chạy đua với thời gian, với nguy hiểm rình rập… Được sự quan tâm, tập trung cao độ của các cấp chính quyền và lãnh đạo Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam,đồng chí Nguyễn Trọng Tốt từ Phó giám đốc Công ty ngay lập tức được Tập đoàn bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc vì dù sao đồng chí Tốt cũng là cán bộ lâu năm công tác tại Mông Dương và như anh em thường nói, anh là “con người của công việc”.

Trước hết là việc tạm điều chuyển khoảng 500 công nhân hầm lò sang làm tạm tại các đơn vị bạn để đảm bảo việc làm ổn định, giữ vững cuộc sống. Dự kiến khối lượng giải quyết công việc phải chi phí hết khoảng 500 tỷ đồng; thời gian hoàn thành phải hết 4 – 5 tháng. Tuy nhiên bằng sức quyết tâm và sự mưu trí, sáng tạo của toàn bộ anh em cán bộ, công nhân mà chỉ chưa đầy hai tháng với chi phí thấp xuống còn 270 tỷ. Các dàn bơm có công suất lớn tới 1200 m3/ giờ được phát huy tối đa, các thiết bị được trục lên mặt bằng để tháo rã, sửa chữa…Một số hệ thống điện trong hầm lò phải thay mới, hàng triệu m3 nước và bùn phải hút lên và dọn sạch. Đặc biệt, lò bị ngâm nước do vậy việc tụt vách, nóc lò, và đổ chống thì việc khắc phục lại là hết sức nguy hiểm.

Cuối cùng thì toàn bộ quy trình “cứu mỏ” đã thành công tuyệt đối về an toàn, về thời gian và chi phí… Tập đoàn đã kịp thời thưởng ngay 100 triệu đồng cho Công ty về thành tích trên. Ngày 24/10/2015 Mỏ đã sản xuất ngay 3481 tấn than/ngày đêm vượt trước thời hạn và kế hoạch sản lương do Tập đoàn giao.

Một trong những lãnh đạo tiền nhiệm của Mỏ than Mông Dương, đồng chí Đoàn Kiển ( nguyên Chủ tịch Tập đoàn) cũng nhiều lần về thăm Than Mông Dương, tặng quà hàng chục triệu đồng.

Tiếp tục phát triển

Mỏ than Mông Dương xây dựng lò giếng từ mức – 97,5 được coi là lò giếng xây dựng đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, ngày nay được đầu tư các thiết bị khai thác tiên tiến, hiện đại và hiệu quả nên ta đã đưa công suất khai thác than gấp đến 14 lần công suất thiết kế ban đầu của người Nga.


Than ra lò

Tới khu phường Mông Dương thuộc thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh ai cũng tận mắt thấy một nét văn hóa đặc thù của Mỏ Mông Dương. Nào là nhà văn hóa, hệ thống thông tin truyền thanh, công viên, tượng đài, khu sân bóng thể thao… ở Mỏ này cũng là nơi đầu tiên trong ngành Than đưa món ăn tự chọn vào bữa ăn ca cho công nhân. Đây là mô hình khoa học đảm bảo cung cấp các món ăn đủ chất, ngon miệng cho người lao động. Ngay bên cạnh nơi sản xuất than nhưng khu văn phòng, nhà ăn và các công trình khác đều sạch, đẹp lạ lùng. Nhà ăn tập thể 3 tầng có 350 chỗ ngồi và hàng chục cấp dưỡng khéo tay luôn chế biến các món ăn ngon, rẻ, bổ, sạch cung cấp tới từng lao động. Công ty cũng đầu tư 13 tỷ đồng xây dựng dây chuyền khép kín giặt giũ bảo hộ lao động, nạp đèn lò… cấp phát đến tận tay thợ lò rất nhanh chóng và thuận tiện. Công ty cũng đầu tư 4 tỷ đồng đưa vào sử dụng thẻ lao động điện tử. Dùng thẻ này rất khoa học, người lao động ra vào Công ty, nhận trang thiết bị bảo hộ, ăn ca, lĩnh lương đều dùng thẻ rất tiện dụng.

Để đảm bảo phục vụ nhu cầu tối đa cho người lao động, Công ty cũng có Dự án xây dựng 3 lô nhà tập thể 9 tầng cung cấp chỗ ở cho khoảng 1000 lao động.

Năm 2015 mặc dù là một năm khó khăn chưa từng thấy nhưng Công ty đã khai thác hơn 1,3 triệu tấn than; thu nhập bình quân đầu người đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng; riêng thợ lò đạt mức lương bình quân 12,8 triệu đồng.

Năm 2016 mặc dù ngành Than đang rơi vào thời kỳ khó khăn do giá than thế giới rớt giá, thị trường tiêu thụ hạn chế… nhưng cán bộ và công nhân Than Mông Dương quyết không lùi bước, noi gương các thế hệ đi trước, họ đã và sẽ kiên trì bám Mỏ, vượt mọi khó khăn bằng cách giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động để duy trì cuộc sống ngày càng tốt hơn./

 

                                                                                                                                                                          Nguồn : Văn nguyễn- báo xây dựng