Bốc rót than tại cảng Cẩm Phả. |
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 42 doanh nghiệp trực tiếp khai thác than, có 50 doanh nghiệp trực tiếp khai nộp thuế, phí liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh than. Các doanh nghiệp được phép khai thác than chủ yếu thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc.
Xác định vai trò quan trọng của ngành công nghiệp khai thác than đối với kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, trong những năm qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp quản lý đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than. Mới đây nhất là Nghị quyết số 16-NQ/TU của Tỉnh ủy ban hành ngày 9/5/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hằng năm, Cục Thuế tỉnh đều chỉ đạo các đơn vị trong ngành đánh giá, phân tích và đề ra biện pháp tăng cường công tác, giám sát, quản lý khai thuế nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý khai nộp thuế đối với ngành Than, như: Cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, các dự án đầu tư; thu thập tài liệu, phân công công chức nghiên cứu chuyên sâu các quy trình chế biến, tiêu thụ than; tập trung phân tích đối chiếu chéo sản lượng giữa các đơn vị khai thác và chế biến; đối chiếu số liệu qua thanh kiểm tra giữa các đơn vị... Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành nhằm ngăn chặn doanh nghiệp thiếu trung thực giữa việc lập hồ sơ khai thuế và lập báo cáo khoáng sản.
Khai thác than tại Công ty CP Than Cọc Sáu. Ảnh: Vũ Hương-CTV |
Điển hình trong 6 tháng đầu năm, căn cứ các thông tin do Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Ban Quản lý KKT tỉnh... cung cấp, Cục Thuế tỉnh đã làm việc với các chủ đầu tư của gần 100 dự án để rà soát, đối chiếu sản lượng đất đào đắp và xác định số thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường còn phải nộp của khoảng 30 dự án là gần 40 tỷ đồng để thông báo yêu cầu chủ đầu tư nộp NSNN.
Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, sản lượng tài nguyên khai thuế phí và số thu nộp NSNN đã tăng qua các năm. Thống kê số liệu quản lý thuế trong 3 năm của Cục Thuế tỉnh cho thấy, từ năm 2017 đến hết 2019, tổng số nộp NSNN từ các doanh nghiệp trực tiếp khai, kinh doanh than đạt trên 36.000 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 số thu thuế đạt 10.985 tỷ đồng; năm 2018 đạt trên 11.970 tỷ đồng; năm 2019 đạt trên 13.120 tỷ đồng. Như vậy mỗi năm, số nộp NSNN từ nguồn tài nguyên này tăng bình quân 10%/năm và luôn chiếm từ 41-44% tỷ trọng so với tổng thu NSNN nội địa của tỉnh. Còn về sản lượng tài nguyên khai thuế phí chỉ tính riêng năm 2019 đã tăng 6% so với năm 2018.
Mặc dù cơ quan thuế đã rất nỗ lực trong việc kiểm soát khai thuế với 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, nhưng do vẫn thiếu nhiều thông tin, nhân lực để nhận diện rủi ro, phân tích và xử lý rủi ro nên công tác quản lý khai, nộp thuế đối với ngành Than vẫn còn không ít hạn chế, hiệu quả mang lại chưa thực sự cao so với quy mô tổng thể của khối doanh nghiệp khai thác than. Theo bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh ban hành năm 2019 và 2020 có từ 71-78 chủng loại than khác nhau, tương ứng với 71-78 giá tính thuế tài nguyên khác nhau. Hiện chủng loại than tương ứng đã khai thuế mới có 39 loại (khoảng 50% so với các chủng loại than bằng giá). Trong khi đó, cơ quan thuế không có khả năng xác định chính xác chủng loại than mà chỉ dựa vào kết quả giám định của các tổ chức có chức năng giám định.
Bên cạnh đó, việc quy định giá bán than trong nội bộ của các đơn vị thành viên có sự khác nhau sau mỗi công đoạn và giá bán than tăng dần ở công đoạn sau, nhưng việc áp giá tính thuế tài nguyên thì chỉ áp dụng cho giai đoạn bán ra đầu tiên. Đây lại là giá bán thấp nhất trong toàn bộ chu trình sản xuất than. Mặt khác, các giao dịch trong nội bộ TKV, Tổng Công ty Đông Bắc rất phức tạp với các liên kết có sự điều hành, điều phối tập trung. Các yếu tố về doanh thu trong từng khâu, danh mục chi phí lớn, nhiều yếu tố kỹ thuật đặc thù, quy trình sản xuất phức tạp... Những vấn đề này luôn là thách thức đối với cơ quan thuế khi tổng hợp, đối chiếu số liệu tại từng khâu, từng đơn vị trong cả chuỗi mô hình luân chuyển hàng hóa, dịch vụ trong ngành Than.
Theo đại diện Cục Thuế tỉnh, để nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp trong khai nộp thuế, hạn chế những yếu tố rủi ro trên, cơ quan thuế rất cần sự hỗ trợ của tỉnh trong việc rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ than, bã sàng... Từ đó đảm bảo các khâu đều được kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ tài nguyên than và đặc biệt là hạn chế thất thu nguồn ngân sách nhà nước.