“Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!” - tiếng vang vọng của hơn ba vạn công nhân vùng đất mỏ Quảng Ninh đồng sức, đồng lòng đòi quyền lợi cho chính mình vào ngày 12-11-1936. Ngày nay, truyền thống đó vẫn vẹn nguyên giá trị, thể hiện qua những thành tích vượt bậc, những thử thách khắc nghiệt trong nền kinh tế thị trường mà công nhân, cán bộ ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đã và đang nỗ lực vượt qua.

Những chặng đường vẻ vang

Thực dân Pháp quản lý và khai thác than từ năm 1888 đến khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Vùng Mỏ tháng 5-1955. Đến nay, các thế hệ thợ mỏ vô cùng tự hào về truyền thống cách mạng mà năm 1936 những người thợ mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã vùng lên tổng bãi công giành thắng lợi. Tầm vóc, ý nghĩa và ảnh hưởng của thắng lợi từ Cuộc Tổng bãi công này là rất to lớn và sâu sắc, đặc biệt là trong công tác giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ Vùng Mỏ. Ngày 6-11-1961, Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng đã ra Nghị quyết số 31-NQ/KU về việc: “Tổ chức kỷ niệm ngày 12/11, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân Vùng Mỏ” và quyết định: Từ năm 1961 trở đi, toàn Khu Mỏ sẽ lấy ngày 12-11 hằng năm để tổ chức kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, coi ngày đó là Ngày Hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân khu Mỏ.

Qua cuộc đấu tranh anh dũng này, đội ngũ công nhân mỏ than và nhân dân lao động Quảng Ninh đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của mình. Tiêu biểu là truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần chủ động sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao và tinh thần đoàn kết đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng. Truyền thống tốt đẹp ấy làm phong phú thêm truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Thực hiện chủ trương đổi mới nền kinh tế do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, năm 1994, khi Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) ra đời, tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) như hiện nay với khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng lợi” của hơn ba vạn thợ mỏ Cẩm Phả giương lên trong đêm 12-11-1936 mãi mãi đi vào lịch sử và trở thành “Ngày Miền Mỏ bất khuất” suốt nhiều chục năm thực sự là tài sản vô giá đối với các thế hệ thợ mỏ hôm nay và mai sau.

Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than không còn bó hẹp ở không gian của tỉnh Quảng Ninh nữa mà đã lan tỏa và in đậm dấu ấn với nhân dân, đội ngũ công nhân viên chức, lao động, tổ chức Công đoàn nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhất là tại các địa phương có cơ sở của Vinacomin và đông đảo con em đang làm ăn sinh sống tại Quảng Ninh.

Tiếp nối truyền thống ngành Than

Cho đến nay, Vinacomin đã không ngừng lớn mạnh nhờ sự đồng tâm, kỷ luật của cán bộ, công nhân ngành than, kết tinh trong khẩu hiệu truyền thống của ngành. Ngành Than không ngừng đưa ra những dự án mới, cải cách chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp với tình hình kinh tế của cả nước, nâng cao chất lượng quản lý, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người thợ lò cũng không ngừng hăng say, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm trong lao động. Nhờ đó mà ngành Than Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu đáng kể.

Với bề dày truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân Vùng mỏ, sản lượng than khai thác luôn tăng trưởng cao. Năm 1994, sản lượng khai thác chỉ đạt gần 6 triệu tấn thì năm 2012 đạt sản lượng 44,5 triệu tấn, tổng doanh thu toàn Tập đoàn tăng 44,7 lần. Nộp ngân sách Nhà nước tăng từ trên 100 tỷ lên 16.000 tỷ đồng. Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, đảm bảo cung cấp đủ than cho nền kinh tế đất nước, bảo đảm thu nhập và việc làm cho người lao động với thu nhập bình quân 7,8 triệu đồng/ người/ tháng. Bên cạnh phát triển sản xuất kinh doanh, Tập đoàn đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và các hoạt động văn hoá, xã hội khác.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh và ngành than luôn có sự gắn bó mật thiết, máu thịt; xuất phát từ yếu tố điều kiện tự nhiên khi Quảng Ninh có trữ lượng than chiếm đến 95% trữ lượng của cả nước; xuất phát từ truyền thống cách mạng vùng mỏ từ khi có Đảng lãnh đạo và mối quan hệ gắn liền giữa phát triển ngành với địa phương trong suốt quá trình phát triển. Hiện nay khai thác than đóng góp tới 1/3 GDP và hơn một nửa ngân sách của tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là ngành tạo ra nhiều việc làm với số lượng lao động lớn cho tỉnh, khoảng 110.000 người, chiếm trên 16% tổng số lao động toàn Tỉnh, tác động trực tiếp đến ¼ dân số và gắn bó sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh. Đảng bộ Than Quảng Ninh hiện có khoảng 19.000 đảng viên hiện đang sinh hoạt tại trên 1.000 chi bộ, thuộc 44 tổ chức cơ sở đảng (chiếm khoảng 24% số đảng viên toàn Tỉnh).

Để có được những thắng lợi trên chặng đường vẻ vang 77 năm qua, theo Chủ tịch HĐTV Vinacomin Trần Xuân Hòa, một trong những yếu tố quyết định đó là ngành Than đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực với những cơ chế chính sách phù hợp, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn ngành. Đến nay, ngành Than đã có một lực lượng lao động hùng hậu trên 14 vạn người với quyết tâm “Cùng chia sẻ, chung sức vượt qua khó khăn” không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, mà chính suy nghĩ, nhận thức này của gần 14 vạn CBCNV đã giúp Tập đoàn bình tĩnh, kiên cường, từng bước hoàn thành những nhiệm vụ của năm 2013.

Mặc dù còn cần nhiều đổi mới nhưng Vinacomin vẫn luôn luôn tự hào là một trong ba trụ cột vững chắc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, là một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước. Trước những khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước, để khắc phục tình hình, trước mắt, cán bộ và công nhân vẫn tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, tiết kiệm chi phí tối đa, tái cơ cấu cho hợp lý hơn với tình hình hiện tại. Đồng thời Tập đoàn cũng đang nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền để vượt qua giai đoạn thách thức, duy trì sự vững mạnh của ngành cũng như ổn định đời sống cho người lao động./.