Để đảm bảo sản lượng than khai thác, trung bình mỗi năm các đơn vị sản xuất than hầm lò thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) duy trì đào từ 230.000-250.000m lò. Chủ trương phát triển của TKV giai đoạn 2020-2025 sẽ đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đào lò, nhằm tăng tốc độ đào lò cho diện sản xuất, tiết giảm lao động thủ công và nâng cao năng suất lao động.

 

Công nhân Công ty Than Nam Mẫu vận hành thử máy khoan xúc đa năng (tháng 5/2020)

Theo thống kê của Viện Khoa học công nghệ mỏ (TKV), giai đoạn 2000-2019, công nghệ đào lò tại các mỏ than hầm lò thuộc TKV đã thi công được tổng số hơn 4,8 triệu mét lò, trong đó lò đá chiếm 25,3%, lò than chiếm 74,7%. Phần lớn các đường lò được chống bằng vì thép. Từ năm 2004, Tập đoàn bắt đầu đưa vào áp dụng vì neo và ngày càng được sử dụng rộng rãi tại các đơn vị. Về công nghệ tách phá gương, hầu hết được thực hiện bằng khoan nổ mìn, khối lượng các mét lò than được thi công bằng máy combai chiếm tỷ lệ nhỏ.

 

Các công nghệ đào lò của TKV nhìn chung còn những hạn chế nhất định, nhiều công đoạn phải thực hiện thủ công, tốc độ đào và năng suất đạt thấp. Để khắc phục tình trạng này, TKV đang khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong đào lò.

 

Công ty Than Nam Mẫu - TKV là một trong những đơn vị đi đầu về áp dụng đào lò bằng các thiết bị cơ giới hóa của Tập đoàn. Cuối tháng 5/2020, Công ty đã đưa máy khoan xúc đa năng vào vận hành thử nghiệm tại Phân xưởng Đào lò 1 ở mức -50. Đây là công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại nhất trong toàn Tập đoàn được Công ty ứng dụng đầu tiên.

 

Theo đánh giá của Công ty Than Nam Mẫu, sau hơn 4 tháng áp dụng công nghệ máy khoan bốc xúc đa năng, bước đầu cho thấy hiệu quả toàn diện, vừa tăng năng suất, đẩy nhanh tiến độ đào lò, vừa giảm nhân lực trong sản xuất. Trong điều kiện tiết diện 15,6m2, tốc độ đào lò của công nghệ mới đạt 60m/tháng; năng suất lao động 0,08m/công/ca; chi phí sản xuất khoảng 55,6 triệu đồng/m lò. So với công nghệ truyền thống (thiết bị khoan bằng máy khí nén cầm tay) tốc độ chỉ đạt 45m/tháng, năng suất lao động 0,05m/công/ca, nhưng chi phí sản xuất lên tới hơn 67 triệu đồng/m lò.

 

Việc áp dụng thành công công nghệ đào lò bằng máy khoan bốc xúc đa năng là bước đột phá mới trong khai thác đào lò của Công ty Than Nam Mẫu nói riêng và các đơn vị hầm lò trong TKV nói chung. Qua đó, có thể nhân rộng áp dụng ra nhiều đơn vị khai thác than hầm lò có diện sản xuất phù hợp.

 

TKV: Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong đào lò

Nhiều đơn vị của TKV vẫn sử dụng công nghệ khoan truyền thống bằng máy khí nén cầm tay

Thực tế, tùy vào từng điều kiện sản xuất, các đơn vị khai thác than hầm lò của TKV đang nghiên cứu áp dụng những công nghệ cơ giới hóa đào lò phù hợp. Ngoài Công ty Than Nam Mẫu, hiện nay Công ty Xây lắp mỏ đang áp dụng công nghệ cơ giới hóa đào lò bằng cách tiến gương khoan nổ mìn, khoan lỗ mìn bằng xe khoan loại 01 cần CMJ-14, xúc đất đá bằng máy xúc lật hông ZCY-60 đổ lên goòng 3 tấn.

 

Còn tại Công ty CP Than Vàng Danh đang áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tiến gương bằng máy đào loại EBH-45, than gương được máy vận chuyển qua cầu chuyển tải đổ lên băng tải. Cả 2 công nghệ này đều tăng từ 33-47% về tốc độ đào lò so với phương pháp thủ công trước đây.

 

Trong định hướng phát triển công nghệ cơ giới hóa đào lò cho các mỏ hầm lò của TKV giai đoạn 2020-2025, sẽ đầu tư 25 dây chuyền. Trong đó, với đào lò than sẽ áp dụng máy khoan combai loại nhẹ và siêu nhẹ có điều kiện các đường lò địa chất phù hợp tiết diện nhỏ hơn 9,4m2; cho phép nâng tốc độ đào lò lên 130-170m/tháng. Riêng đối với công nghệ cơ giới hóa đào lò đá sẽ sử dụng xe khoan tự hành, các máy khoan xúc đa năng (loại một cần và hai cần).

 

Những công nghệ cơ giới hóa đào lò trong khai thác than hầm lò khi được áp dụng rộng rãi sẽ giúp TKV đẩy mạnh khai thác than. Hiện sản lượng khai thác than bằng công nghệ lò chợ cơ giới hóa đồng bộ của TKV đã đạt và duy trì 11-13% tổng sản lượng than hầm lò. Theo kế hoạch, năm 2020 sản lượng khai thác than bằng cơ giới hóa toàn Tập đoàn là 3,45 triệu tấn, chiếm 14,17% sản lượng than hầm lò.