Nữ CNVCLĐ luôn giữ vai trò quan trọng
Hiện số CNVCLĐ toàn Tập đoàn TKV là gần 99 nghìn người, trong đó lao động nữ là hơn 20,2 nghìn người, chiếm tỷ lệ 20%. Phần lớn chị em đảm nhận các công việc như: Cơ khí, sàng tuyển, chế biến và vận hành các thiết bị trong các nhà máy điện, nhà máy đồng, nhà máy tuyển than và trong các khâu nghiệp vụ, phục vụ và phụ trợ khác trải dài khắp mọi miền đất nước.
Trong đó, tỷ lệ cán bộ nữ từ cấp phó trưởng phòng trở lên trong toàn Tập đoàn chiếm gần 12%, trên 6 nghìn chị em là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam – chiếm tỷ lệ 25% tổng số đảng viên trong toàn Tập đoàn.
Từ năm 2010 đến nay, nữ CNVCLĐ đã đăng ký đảm nhận gần 8 nghìn công trình, phần việc trị giá gần 10 tỷ đồng góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện cảnh quan, môi trường làm việc cho các đơn vị trong TKV. Đặc biệt, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất luôn được duy trì, nữ CNVCLĐ có hơn 7 nghìn sáng kiến, cải tiến, hợp lý hóa được áp dụng, làm lợi cho các đơn vị hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Nữ CNVCLĐ của TKV luôn tích cực tham gia lao động sản xuất, nhiều chị là những điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh. Nữ cán bộ quản lý có chuyên môn nghiệp vụ cao được kết hợp với đội ngũ cán bộ có tri thức, năng động sáng tạo, góp phần cho sự thành công, phát triển của doanh nghiệp. Không những thế, nữ công nhân lao động ngành than còn tham gia các hoạt động văn hóa thể thao để nâng cao sức khỏe phục vụ cho sản xuất và công tác. Đội bóng đá nữ Than – Khoáng sản Việt Nam là 1 trong 4 đội mạnh cấp Quốc gia luôn đạt các giải cao.
Với vai trò nòng cốt, Ban Nữ công- Công đoàn TKV đã phát huy vai trò hoạt động tham mưu, giúp lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn TKV triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hành động cho từng giai đoạn, định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá và đề ra kế hoạch công tác thời gian tiếp theo.
Đồng thời, Ban Nữ công các cấp đã đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nữ CNVCLĐ, trong đó có phong trào “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” và gắn với phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Kết quả của phong trào đã phản ánh được vai trò, vị thế của phụ nữ trong sự phát triển bền vững của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam
Hiện hơn 70% công đoàn cơ sở có cán bộ lãnh đạo chủ chốt công đoàn là nữ hoặc có nữ là ủy viên Ban Thường vụ, Ban chấp hành công đoàn, trong đó có 10 đơn vị có Chủ tịch Công đoàn là nữ. 100% số cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp và cán bộ nữ công công đoàn cấp trên cơ sở được bồi dưỡng, tập huấn nội dung về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn.
Ngoài ra, Ban Nữ công còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam của các thị xã, các phường, trường trên địa bàn để phối hợp chỉ đạo các hoạt động liên quan đến quyền lợi phụ nữ, trẻ em và những vấn đề xây dựng khu phố văn minh, ngăn ngừa, phòng chống tệ nạn xã hội.
Tiếp tục nâng cao đời sống của nữ CNVCLĐ ngành Than
Trong 10 năm qua, có trên 10 nghìn lượt gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt đã được giúp đỡ bằng nguồn quỹ “Phụ nữ nghèo” và quỹ “Tình người” của Công đoàn TKV, gần 500 chị em được hỗ trợ sửa chữa, xây nhà mới bằng nguồn quỹ “Mái ấm công đoàn”.
Riêng trong quý III/2020, đã có 1.820 chị được nâng lương, 620 chị nâng bậc và 34 chị được đề bạt từ cấp trưởng, phó phòng, phó quản đốc trở lên. Đặc biệt, đã có 264 nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân được hỗ trợ bằng nguồn Quỹ phụ nữ nghèo qua các đợt khảo sát hằng tháng, 373 là vợ hoặc chồng CNVCLĐ hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than – khoáng sản từ năm 1994 đến tháng 8/2020 được thăm hỏi động viên,hỗ trợ bằng nguồn Quỹ tình người với tổng số tiền 373 triệu đồng.
Ngoài ra, nhiều chế độ chính sách đối với lao động nữ được thực hiện hiệu quả như: khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên khoa phát hiện bệnh. Cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, phương tiện đi lại, chăm lo giúp đỡ những gia đình chị em có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân, các gia đình có người thân bị tai nạn lao động và các cháu mồ côi, tật nguyền… Việc bồi dưỡng sau sinh, việc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, chế độ giờ vệ sinh phụ nữ và chế độ làm việc nhẹ đối với nữ CNLĐ yếu sức khỏe của các Tổng Công ty, Công ty được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt.
Thời gian tới, ban Nữ công các cấp sẽ tiếp tục phối hợp với lãnh đạo chuyên môn của cơ quan, khuyến khích và tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ được học tập, đào tạo bồi dưỡng các kiến thức về chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng việc đào tạo nghề cho lao động nữ đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và phát huy được thế mạnh của phụ nữ.
Bên cạnh đó, các hoạt động như Hội thi về nữ công gia chánh, văn hóa ứng xử, các hình thức tọa đàm, gặp mặt, biểu dương các gia đình nữ CNVCLĐ tiêu biểu, quan tâm giúp đỡ các nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, nữ đơn thân cũng sẽ được các ban thuộc Tập đoàn và cơ sở thuộc TKV đẩy mạnh. Đặc biệt, các truyền thống và phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” cũng sẽ được TKV chú trọng giáo dục và phát triển./.