Thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai Bộ luật Lao động năm 2019 và tập huấn hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII do Công đoàn Xây dựng tổ chức tại Hà Nội ngày (10/7).

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến dự và truyền đạt các nội dung tập huấn.

Cùng dự có: Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Lệ - Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam, các đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam và các cán bộ công đoàn chủ chốt trong Ngành.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phân tích mục đích ban hành, kết cấu, một số vấn đề lớn của Bộ luật Lao động năm 2019 như: Đối tượng áp dụng, chính sách của Nhà nước về lao động, quyền và nghĩa vụ của người lao động, vấn đề tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và làm thêm giờ, giải quyết tranh chấp lao động,...

“Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 với nhiều điểm mới sẽ tác động lớn đến người lao động, do vậy yêu cầu cán bộ công đoàn cần nắm chắc những quy định liên quan của Bộ luật Lao động 2019”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII gồm 11 chương với 35 điều, tăng 1 chương, giảm 10 điều so với Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI.

Một số điểm mới trong nội dung của Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII là chọn bài hát “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” của nhạc sỹ Lê Tú Anh làm bài hát truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam; khuyến khích người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động hợp pháp tại Việt Nam tham gia các hình thức tập hợp của tổ chức Công đoàn Việt Nam; quy định rõ hệ thống tổ chức Công đoàn gồm 4 cấp, trong đó làm rõ các loại hình của cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở; thống nhất Đại hội Công đoàn các cấp được tổ chức theo nhiệm kỳ 5 năm một lần và có hai hình thức: Đại hội đại biểu và đại hội toàn thể; thống nhất quy định số lượng đoàn viên tối thiểu để được thành lập Công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở đều là 5 đoàn viên,…

Nguồn: congdoan.vn