Thời điểm hiện nay, có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất mà ngành Than từng gặp. Nhưng trong khó khăn ấy, những người thợ mỏ mà chúng tôi gặp đều không hề nản chí, trong họ luôn sáng bừng lên tinh thần quyết thắng...

Chui lò ở mỏ mông dương

Chúng tôi đến Công ty Than Mông Dương đúng vào những ngày đầu tháng 11, khi mà những người thợ mỏ nói riêng và nhân dân Vùng mỏ nói chung đang náo nức tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành than 12-11 (1936-2016).

Phó Giám đốc Hoàng Trọng Hiệp vui vẻ cho chúng tôi biết, anh em đang duyệt lại chương trình ca nhạc để phục vụ cho một chương trình rất đặc biệt của ngày mai. Theo đó, lãnh đạo Công ty sẽ gặp mặt, tri ân và tặng quà các bậc tiền bối có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Công ty, các công nhân có thành tích cao trong thi đua lao động sản xuất. Khi biết chúng tôi có mong muốn được xuống lò nơi những người thợ đang ngày đêm miệt mài sản xuất những tấn vàng đen cho Tổ quốc, anh Hiệp ủng hộ ngay.

Khai thác than trong lò chợ, Công trường khai thác 3, Công ty Than Mông Dương.
Khai thác than trong lò chợ, Công trường khai thác 3, Công ty Than Mông Dương.

Tại phòng trực điều hành sản xuất, anh Trần Đăng Nam, Quản đốc Công trường khai thác 3 - một công trường có bề dày thành tích được giao nhiệm vụ cùng với đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Phòng An toàn Công ty hướng dẫn và đưa chúng tôi đi lò. Trước khi xuống lò, chúng tôi đã được trải qua một khoá học an toàn cấp tốc về quy trình, các nguyên tắc bảo đảm an toàn khi xuống lò, cách sử dụng bình ôxy để tự cấp cứu nếu có tình huống xấu xảy ra. Mặc dù không phải lần đầu tiên đi lò nhưng lần này trong tôi nhiều cảm xúc đến lạ. Sau hơn 1 năm bị sự cố ngập mỏ trong trận mưa lụt lịch sử cuối tháng 7 năm ngoái đến nay, mỏ Mông Dương đã được hồi sinh. Khi ấy mỏ Mông Dương bị ngập trong biển nước, biển bùn nhưng những người thợ mỏ đã không chùn bước mà ngược lại hơn bao giờ hết họ đã đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, cùng dồn hết sức người, sức của để cứu mỏ Mông Dương. Và hôm nay, được đi trong đường lò ấy, chúng tôi đều cảm nhận được những nhiệt huyết của những người thợ mỏ.

Đi trước dẫn đường, anh Nam luôn nhắc nhở chúng tôi phải thật chú ý. Trong tiếng ầm ào của các thiết bị, giọng anh Nam như át cả tiếng máy. Anh giới thiệu với chúng tôi về hàng giá chống trong lò, hai hàng giá đều tăm tắp là cả quá trình vất vả và chuyên tâm của những người thợ chống cuốc công trường. Hiện tại, Công ty đang khai thác mức sâu nhất là -250, chúng tôi đang đi mức -170, khu vực phía đông Mông Dương.

Tốp thợ đầu tiên chúng tôi gặp đang miệt mài sản xuất. Đến gần một người thợ, tôi phải gọi tới lần thứ 3, anh mới nghe thấy và cười. Nụ cười rạng rỡ, rất thân thiện. Anh vui vẻ cho chúng tôi biết tên anh là Nguyễn Hồng Sơn, 40 tuổi, thợ chống cuốc bậc 5/6, đã có kinh nghiệm đào lò 18 năm. Chia sẻ với chúng tôi về công việc, về những nhọc nhằn của thợ lò nhưng không hề than thở, anh Sơn bảo: Làm đâu quen đấy nhà báo ạ! Tôi gắn bó với tiếng than rào rào, tiếng bụp bụp của những nhát cuốc trong lò rồi. Đồng đội gắn bó và thu nhập cũng ổn. Nếu như những năm trước, than bán tốt, thu nhập bình quân của tôi cũng được trên 20 triệu đồng/tháng. Bây giờ khó khăn, thu nhập tuy giảm nhiều nhưng tôi vẫn được 15-16 triệu đồng/tháng. Có lẽ nhiều người sẽ cho là nói dối nhưng thực sự là bây giờ Công ty cho tôi lên mặt bằng sản xuất để nhàn hơn tôi cũng không đồng ý đâu.

Tuy khuôn mặt dính đầy than nhưng không giấu được khuôn mặt điển trai của cậu thợ phụ Mùi A Sính. Cười bẽn lẽn, Sính cho biết: Cháu ở Lào Cai, vào làm ở Công ty được gần 1 năm nên cũng quen việc rồi cô ạ!. Thu nhập cũng tốt, tháng trước cháu được 12 triệu đồng. Chú Sơn là người chăm chỉ và làm việc nhiệt tình nên ngày công và sản lượng của chú ấy luôn trong tốp đầu của Công ty. Cháu may mắn là thợ phụ được chú kèm cặp nên cũng tiến bộ nhiều.

Không dám trò chuyện lâu vì sợ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng trong ngày của họ, chia tay những người thợ lò, chúng tôi rất vui vì lời hẹn gặp ngoài phố của Mùi A Sính. Bất giác, tiếng than rơi rào rào trong lò Mông Dương trở nên thân thương đến thế.

Tiếng hát trước giờ vào ca

Trong số các đơn vị khai thác than hầm lò, Công ty Than Mạo Khê là đơn vị có truyền thống lâu năm. Than Mạo Khê thời trước người Pháp đã đến đây xây dựng mỏ và lấy đi khá nhiều tài nguyên. Sau bao nhiêu năm khôi phục và phát triển, Mạo Khê cũng đã trải qua bao thăng trầm, vui có, buồn có của nhiều thế hệ làm mỏ. Nhưng dưới bàn tay của những người thợ mỏ chân thành, thật thà ngay thẳng, giàu truyền thống, những dòng than đang tuôn chảy ngày đêm.

Là người có nhiều duyên nợ và gắn bó với ngành than, mỗi lần tiếp xúc trò chuyện với những người thợ lò, bao giờ tôi cũng thấy ấm áp và gần gũi, thân quen đến kỳ lạ. Lần này cũng vậy, chúng tôi dường như bị cuốn theo sự sôi nổi, vui vẻ của những người thợ lò Phân xưởng Khai thác 5 (KT5), Công ty Than Mạo Khê trước giờ vào ca. Cố đến sớm trước giờ thợ lò chuẩn bị vào ca 2, khi chúng tôi đến, phòng nhận lệnh sản xuất chưa đông người. Chúng tôi đi tham quan các khu vực phụ trợ, phục vụ thợ lò như nhà ăn, nhà tắm, phòng thay đồ. Tại khu thay quần áo bảo hộ đi lò, từng tốp thợ vừa thay quần áo để chuẩn bị vào ca sản xuất, vừa nói cười vui vẻ. Bất giác ai đó ngân nga bài hát Tôi là người thợ lò, khiến không gian chợt như tĩnh lặng trong giây phút rồi mọi người đều hào hứng hoà theo khiến chúng tôi cứ ngỡ không phải mình đang ở trên công trường.

Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, đồng chí Hoàng Ngọc Hà, Quản đốc Phân xưởng tươi cười nói: Chuyện thường thôi mà!. Thợ lò Mạo Khê là thế, rất sôi nổi và lạc quan. Hiện nay, sản xuất rất khó khăn nên thu nhập của thợ lò cũng giảm sút mạnh nhưng chúng tôi vẫn lạc quan và tin rằng, khó khăn này ngành than nhất định sẽ vượt qua. Sau cơn mưa, trời sẽ sáng mà!.

Sau khi khắc phục sự cố ngập mỏ, ngày 22-4-2016, Công ty Than Mông Dương mới đưa máy đào lò combai AM-50Z hoạt động trở lại được, góp phần tăng năng suất lao động.
Sau khi khắc phục sự cố ngập mỏ, ngày 22-4-2016, Công ty Than Mông Dương mới đưa máy đào lò combai AM-50Z hoạt động trở lại được, góp phần tăng năng suất lao động.

Được biết, Phân xưởng KT5 là đơn vị sản xuất than trong điều kiện lò có khí nổ CH4 siêu hạng, tình hình địa chất lớp vỉa dày không ổn định, đường lò sâu -150, diện sản xuất phải thay đổi nhiều lần. Mặc dù điều kiện sản xuất của đơn vị gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự đoàn kết và đồng tâm của đội ngũ những người thợ mỏ, Phân xưởng luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch giao hàng năm từ 110-140%. Hàng năm, Phân xưởng KT5 luôn đi đầu trong phong trào thi đua lao động sản xuất của Than Mạo Khê. Ở nơi có điều kiện sản xuất khó nhất nhưng KT5 lại là một trong những phân xưởng có sản lượng khai thác đứng đầu Công ty Than Mạo Khê, giữ vững an toàn lao động. Tiếng hát và tiếng hô vang “Quyết thắng” trước giờ vào ca của những người thợ lò hình như giúp tôi hiểu hơn tại sao những người thợ mỏ không bao giờ chịu lùi bước trước những khó khăn và trân trọng hơn vàng đen của Tổ quốc.

Giám đốc Công ty Phạm Văn Minh chia sẻ, thành công lớn nhất của Than Mạo Khê là mặc dù trong điều kiện khó khăn như năm 2016 này mà số tiền chi thưởng cho công tác an toàn của Công ty khoảng 34 tỷ đồng/năm. Chính nhờ sự quan tâm một cách thiết thực này mà trong thời gian qua dù khó khăn nhưng số lượng thợ lò ở Công ty Than Mạo Khê vẫn đảm bảo, công tác an toàn lao động nền nếp hơn.

Cũng giống như Công ty Than Mông Dương, công tác chăm lo đời sống cho người lao động luôn được Công ty quan tâm chu đáo. Công ty đã đầu tư, nâng cấp một số công trình phúc lợi như: Nhà giao ca, khu tắm giặt, nhà ăn, sân bóng đá, công viên... Bữa ăn tự chọn hằng ngày của thợ mỏ Mông Dương, Mạo Khê thường xuyên có tới trên 10 món, đầy đủ dưỡng chất. Cùng với đó, Công ty cũng đặc biệt chú trọng đến việc cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân; bố trí các phương tiện hợp lý vận chuyển người trong hầm lò như trục tải, toa xe, tời hỗ trợ; tổ chức cơ giới hoá tối đa, đảm bảo sức khoẻ cho thợ lò...

Tạm biệt những người thợ lò, trong lòng tôi bỗng ngân nga câu hát: Hãy thức cùng tôi, đêm ca ba. Bạn sẽ thấy những vì sáng trên tầng cao. Thắp sáng đường lò sâu, soi bước chân người thợ. Hãy thức cùng tôi, đêm ca ba... Và tôi tin, trong khó khăn lửa hồng vẫn sáng, bằng tinh thần lạc quan, ý chí quyết thắng và truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, đội ngũ thợ mỏ Quảng Ninh sẽ nhất định vượt qua khó khăn trước mắt và xây dựng ngành than trở thành một ngành kinh tế mạnh, phát triển bền vững.

 

                                                                                           Nguồn: Nguyên Lâm - Báo Quảng Ninh