Nổ khí mê tan và nổ bụi than là một trong những mối hiểm họa nguy hiểm nhất trong ngành công nghiệp khai thác mỏ.

 
    Trong quá trình hình thành của than, khí mê tan sinh ra trong các vỉa than, tồn tại ở nhiều dạng khác nhau như dạng tự do, dạng lỗ rỗng và dạng hấp thụ, đây là loại khí gây ra cháy nổ hết sức nguy hiểm. Đối với ngành khai thác than hầm lò trên thế giới cũng như ở Việt Nam, vấn đề an toàn cháy, nổ khí mê tan đã và đang được đặt lên hàng đầu. Hàng trăm vụ tai nạn liên quan đến cháy, nổ khí mêtan đã xảy ra làm thiệt hại to lớn đến con người và tài sản. Để ngăn ngừa hiểm họa về cháy nổ khí mê tan cần hiểu rõ đặc điểm của loại khí này và từ đó đưa ra biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
   Tính chất khí mê tan: mê tan là loại khí không màu, không mùi, không vị nên bằng cảm giác con người không thể nhận biết được mà phải nhờ thiết bị máy đo mới xác định được như giới hạn nổ: 5 - 15%, hàm lượng nổ mạnh nhất: 9,5%, nhiệt độ cháy: 650 - 7500C...
   Các yếu tố cơ bản gây cháy, nổ khí mêtan: sau khi hội đủ 3 yếu tố: ôxy, mê tan, nguồn lửa thì một vụ cháy khí mê tan sẽ xảy ra, nếu hàm lượng khí mêtan nằm trong giới hạn nổ thì sẽ gây nổ khí.
   Hậu quả của nổ khí: Khí mê tan nổ gây ra hàng loạt sự biến đổi về mặt vật lý và hoá học gây nên các thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Cụ thể, nhiệt độ sau khi nổ lớn: nhiệt độ nổ trong đường lò có thể lên tới 18500C, nhiệt độ nổ trong môi trường kín có thể lên tới 26500C; hậu quả cơ học: phá huỷ các thiết bị trong lò (Tàu điện, thiết bị...), phá huỷ cấu trúc đường lò gây sập đổ lò...
   Để đưa ra các biện pháp ngăn chặn cháy nổ khí mê tan, cần tập trung kiểm soát, giảm hàm lượng khí mê tan trong bầu không khí mỏ, mặt khác cần triệt tiêu mọi nguồn phát tia lửa dưới mỏ hầm lò. Nguồn lửa trong mỏ hầm lò có thể phát sinh do rất nhiều nguyên nhân như: ngọn lửa hở, cháy nội sinh, ma sát, hồ quang điện, tĩnh điện, nổ mìn... Do vậy cần có các biện pháp loại trừ nguồn lửa phát sinh từ: Các nguồn như diêm, bật lửa, nổ mìn, đám cháy mỏ; Các thiết bị điện, tĩnh điện, hàn điện; Vỏ thiết bị, ma sát của băng tải, máy nén khí, ma sát của bề mặt hợp kim nhôm. Không được phép tự mở, sửa chữa thiết bị điện, đèn ắc quy trong lò; Sử dụng thuốc nổ an toàn cho mỏ hầm lò, đã được chứng nhận kiểm định; Tất cả các loại thiết bị điện, bóng điện… sử dụng trong lò phải được chế tạo đảm bảo tính năng phòng nổ. Các thiết bị này phải được vận hành, bảo dưỡng, kiểm tra, kiểm định hoặc hiệu chuẩn đúng quy định. Không đóng điện vào thiết bị khi vỏ thiết bị còn mở;Luôn vặn chặt các bu lông ở vỏ thiết bị. Luôn mang theo bình tự cứu để sử dụng khi cần thiết. Khi phát hiện thấy dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho cán bộ phân xưởng được biết.
   Để ngăn chặn những thảm họa do khí mêtan gây ra cần làm tốt các công việc sau: Tuân thủ tuyệt đối các quy định về an toàn theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò". Giáo dục ý thức, trách nhiệm của mỗi công nhân. Tìm mọi cách làm giảm hàm lượng mêtan xuống dưới giới hạn cho phép. Đặc biệt là LOẠI TRỪ TẤT CẢ CÁC NGUỒN CÓ THỂ PHÁT SINH TIA LỬA RA KHỎI MỎ.